<bgsound src="/Nhac Dieu Buon Phuong Nam.mp3"/> Le Dinh














Hà Kỳ Lam








































Người Láng Giềng




Hà Kỳ Lam


Trong mười năm trên đất Mỹ nầy gia đình tôi đã đổi chỗ ở năm lần, kể cả chỗ ở đầu tiên được đúng hai ngày, và ba chỗ ở khác mỗi nơi trên một năm và không quá hai năm. Riêng chỗ ở hiện tại, chỗ ở thứ năm, đã chiếm hết phân nửa thời gian trong tổng số mười năm qua, vì chúng tôi quyết tạo dựng cơ ngơi tại đây. Và cũng chính tại chỗ nầy chúng tôi mới cảm được láng giềng là “gì”. Bốn chỗ ở trước nằm trong một thành phố lớn, Philadelphia thuộc Pennsylvania, mà cuộc sống xô bồ, tất bật làm cho con người chẳng buồn để ý đến nhau. Với lại, thị dân thì bao giờ tâm hồn cũng phóng khoáng hơn, dễ chấp nhận hơn, không cứng nhắc như những người tỉnh lẻ. Đó hầu như là định luật của các đô thị lớn. Cả với Sài Gòn của chúng ta ngày xưa nữa. Họ chấp nhận mọi người với những dị biệt riêng; họ xem những khách thập phương luân lưu – đi và đến – như một phần của cư dân thành phố.

Chỗ ở hiện tại của chúng tôi thì khác hẳn. Chúng tôi có hàng xóm láng giềng “quan tâm chiếu cố”. Đã chuẩn bị ít nhiều cho vùng cư trú mới, do kinh nghiệm bạn bè truyền lại, do “điều nghiên” tình hình tại chỗ, khi dọn đến địa điểm nầy chúng tôi đã cẩn thận không để sơ hở nào có thể gây ác cảm với “ma cũ”. Chẳng hạn, chúng tôi không bao giờ đậu xe (mặc dù thuộc phần đường bên phía mình) thẳng hàng với cổng xe ra vào của nhà bên kia đường, hoặc để con Sheba nhà mình - một con chó “thiều nữ” rất dễ thương - cao hứng hay giận dữ sủa inh ỏi làm phiền lỗ tai hàng xóm. Trường hợp chúng tôi, sự thận trọng còn có một lý do chính đáng hơn: mình là gia đình Á Châu độc nhất trong vùng. Chính sách của chúng tôi đã mang lại kết quả mong muốn ngay từ đầu. Ông bà Stockton ở đối diện, ông bà Green đằng sau lưng là những người già nguyên tắc, rất vui vẻ với chúng tôi, và khen chúng tôi là những láng giềng mới quí hóa của họ. Cặp vợ chồng trẻ kế cận bên trái rất thân tình với chúng tôi. Người chồng sẵn sàng sang sửa ống nước, ống cống mỗi khi chúng tôi cần, mà chẳng chịu lấy một đồng xu thù lao nào. Bên phải chúng tôi là một ngã ba đường, nên chúng tôi chẳng có lân bang nào để đối phó. Mọi sự êm đẹp đối với chúng tôi trong vùng cư trú mới. Ngày qua ngày, mỗi sáng chúng tôi ra đi, trao đổi với láng giềng một câu chào hỏi, hay một cái vẫy tay. Buổi tối bao giờ chúng tôi cũng về muộn, có sớm lắm cũng khoảng mười một giờ đêm, nên ít khi gặp ai để phải nói “hi”, “hello”, v.v.

Đấy, giang san mới của chúng tôi như thế cũng khá dễ chịu. Và tôi nghĩ nó phải như thế, vì mình đã đem hết thiện chí đóng góp xây dựng một bầu không khí dễ chịu chung. Cho đến một hôm, sau sáu tháng làm thành viên mới của cộng đồng, một sự việc vừa bực bội vừa khôi hài xảy ra, quấy rầy chúng tôi. Như thường lệ, hôm đó vợ chồng chúng tôi về đến nhà khoảng mười một giờ đêm. Chưa kịp tháo giày thì có tiếng gõ cửa. Nhìn qua màn cửa, chúng tôi thấy một người đàn ông da trắng khoảng trên ba mươi tuổi, vóc dáng hơi nhỏ con so với dân Mỹ. Chúng tôi mở cửa và bước ra ngoài tiếp chuyện với anh ta. Trong một thoáng tôi cố nhớ xem có gặp người nầy ở đâu chưa. Chưa. Tôi chưa gặp hắn ta bao giờ. Duyệt qua trong trí các khuôn mặt lân bang của chúng tôi thì không có ai như thế. Vợ chồng tôi đứng chăm chú chờ nghe hắn mở đầu. Hắn nói:

- Con chó của ông bà đã lọt vào sân sau nhà tôi và làm cho con chó của tôi mang bầu. Tôi đã đưa vấn đề cho luật sư của tôi rồi. Nếu ông bà thấy có thể…

Không đủ kiên nhẫn chờ nghe hắn kết thúc câu chuyện, tôi vội ngắt lời:

- Con chó của chúng tôi là chó cái kia mà!

Đôi mắt màu xanh xám của hắn mở lớn nhìn tôi với vẻ nghi ngờ. Vợ tôi vội bảo tôi cho hắn xem chó của mình. Chúng tôi gọi “Người Đẹp Sheba” ra đi biểu diễn một vòng cho hắn xem. Lúc Sheba đi qua trước mặt, hắn nhìn phần mông của nó rồi do dự vài giây hắn hỏi tôi:

- Còn con chó kia nữa?

Tôi đáp:

- Chúng tôi chỉ có một con chó thôi.

Hắn lúng túng, không nhìn chúng tôi, buông một tiếng “xin lỗi” cộc lốc, rồi quay lưng đi nhanh ra cổng, nhưng còn đủ lịch sự khép cổng lại. Tôi đáp lễ:

- Đừng xin lỗi!

Câu chuyện làm chúng tôi vừa bực mình, vừa buồn cười. Bực vì có người không chịu để cho mình yên ổn. Không hiểu sao lúc đó tôi chẳng buồn hỏi nhà hắn ta ở đâu, chỉ nghĩ rằng hắn không ở sát cạnh mình thì thôi. Chúng tôi xếp câu chuyện Sheba bị vu khống đó sang một bên, chẳng bận tâm nữa. Rồi sinh hoạt của chúng tôi lại tiếp tục gắn liền với nhịp quay của xã hội nầy, chẳng có thì giờ và hơi sức đâu nhìn ngang, nhìn ngửa, phóng tầm mắt mình qua khỏi mái nhà láng giềng để xem bên kia là ai.

Khoảng vài tháng sau đó, một hôm vào ban ngày, lái xe từ chỗ làm về nhà, lúc gần đến căn nhà ông bà Stockton, kẻ láng giềng đối diện chúng tôi bên kia đường, chúng tôi bỗng thấy người đàn ông mà tối hôm nọ đến khiếu nại về việc chó của y mang bầu. Hắn ta từ trong căn nhà kế nhà gia đình Stockton mang thùng rác đi ra sân. Thì ra hắn lại ở sát vách ông bà Stockton. Nhà Stockton và nhà chúng tôi tọa lạc trên hai góc đường của một ngã ba đường. Như vậy, đối diện với nhà chúng tôi, ở góc đường bên kia là nhà Stockton rồi mới đến nhà người-đàn ông-có-chó-mang-bầu. Vậy mà, sống trong khu phố trên nửa năm trời chúng tôi mới biết đến người láng giềng bên kia người láng giềng, hay là người-láng-giềng-bậc-hai. Định nghĩa một cách khít khao thì hắn ta không phải là láng giềng của chúng tôi. Nhưng tính khoảng cách thì khá gần, với lại, vì nhà hắn dài hơn nhà của ông bà Stockton, nên từ nhà hắn nhìn qua sân sau nhà chúng tôi thật rõ và thật gần. Có lẽ hắn đã dùng nhà sau làm đài quan sát để dòm ngó chúng tôi từ lâu mà chúng tôi không biết, vì từ khi khám phá ra đương sự ở đó, mỗi lần bất chợt nhìn qua tôi đều thấy hắn đứng trong nhà bếp nhìn về phía chúng tôi. Bị bắt gặp thì hắn quay mặt chỗ khác, hoặc cúi xuống loay hoay làm việc gì đó. Nhưng có điều tôi biết chắc chắn là hắn dòm ngó chúng tôi hằng ngày. Để làm gì? Không ai biết. Chắc hắn còn cay cú với chúng tôi về cái bào thai trong con chó của hắn! Nhưng mà có thật hắn có một con chó không? Từ khi biết hắn ở đó, tôi chưa hề nghe tiếng chó sủa phát ra từ nhà hắn. Có thể sau khi chó của hắn bị chửa hoang hắn không muốn nuôi chó nữa. Mà cũng có thể hắn đã định ngụy tạo một vụ kiện để làm tiền chúng tôi. Ở một xã hội mà từ các đại công ty đến các bác sĩ, các chủ tiệm, chủ xe, v.v., đều có thể bị kiện tụng đòi bồi thường này nọ, thì một chủ chó như chúng tôi không có lý do gì được “miễn dịch”.

Hình như dân Mỹ là dân thích kiện tụng nhất thế giới. Tôi nhớ đã đọc trên báo mới đây một vụ kiện giữa hai người láng giềng Mỹ về hàng cây dương làm hàng rào trên đường ranh giới đất đai của hai người. Nguyên đơn là cặp vợ chồng chủ hàng cây dương. Họ trồng hàng cây vừa để cho kín đáo, vừa để tăng phần thẩm mỹ cho khung cảnh. Nhưng loại cây dương thì cành lá nhọn hoắt và chĩa ra chung quanh, choáng khoảng trống khá nhiều, nên người láng giềng của cặp vợ chồng kia đã tự tiện cắt tất cả các cành chĩa sang phần đất của ông ta, và cắt đến sát thân cây, làm cho hàng cây trụi nhánh hẳn một bên. Chủ hàng cây tức quá, bèn đưa nội vụ ra tòa đòi người láng giềng bồi thường mỗi cây là hai nghìn sáu trăm đô-la. Vị chi hàng rào với mười hai cây dương là ba mươi mốt nghìn hai trăm đô-la! Chưa biết ai sẽ thắng ai. Chúng tôi cũng có hai cây dương làm hàng rào ngăn cách với phần đất của cặp vợ chồng trẻ bên trái chúng tôi. Lúc mới dọn đến chúng tôi cũng đã e ngại về mấy cành cây chĩa sang phần đất của họ, và đã hỏi có thấy trở ngại gì không; nếu họ muốn, chúng tôi sẽ tỉa các cành cây đó. Hai người láng giềng của chúng tôi đã cám ơn và bảo chúng tôi đừng lo lắng về chuyện đó. Ôi láng giềng Mỹ, cũng dễ thương mà cũng dễ ghét!

Một thời gian khá lâu sau “vụ con chó có bầu” thì xảy ra hai sự việc - cũng nhắm vào gia đình chúng tôi - và hai sự việc đó cũng cách khoảng nhau khá lâu. Vụ thứ nhất: một viên chức của Quận đến trình thẻ hành sự và tự giới thiệu xong, thông báo cho chúng tôi hay là có người láng giềng báo cáo rằng chúng tôi cho thuê nhà. Ông ta nói tiếp, “điều nầy vi phạm luật lệ hiện hành vì ông bà không có giấy phép”. Tôi nói với nhân viên đó rằng chúng tôi không làm điều đó, rằng chỉ toàn gia đình chúng tôi cư trú trong nhà mà thôi. Và tôi đã phải ký vào biên bản cam đoan là nhà từ hồi nào đến giờ chỉ là chỗ cư trú của gia đình. Khi bắt tay từ giã, viên chức kia mỉm cười với tôi và nhắn gửi một câu mà tôi nghĩ chứa nhiều hàm ý, “chắc ông cũng hiểu láng giềng Mỹ là gì”. Chung qui, chỉ có cái tội là gia đình chúng tôi khá đông người. Ngoài hai con chúng tôi, còn có em và cháu đã theo chúng tôi ra đi từ Việt Nam. Với nhân số như vậy, chúng tôi phải sử dụng một số lượng “cơ giới” là sáu chiếc xe hơi mới đủ đáp ứng nhu cầu xê dịch, vì chúng tôi đi học hay đi làm ở những địa điểm khác nhau, giờ giấc khác nhau. Có lẽ người Mỹ lập luận một cách đơn giản là chỉ bằng cách “share phòng” mới có một nhà đông đúc như thế. Nhưng cho dù có tình trạng “share phòng” thì đã sao? Có lẽ luật lệ của Quận nầy hơi quái đản.

Vụ thứ hai lại liên quan đến “người đẹp Sheba” của chúng tôi. Một đêm mùa hè, tôi đang đứng tựa cổng nhà mình, con chó Sheba đứng bên cạnh. Tôi nhìn thấy một chiếc xe cảnh sát đậu trước nhà “người láng giềng bậc hai” của chúng tôi. Nghĩ rằng có lẽ nhà ấy có vấn đề gì cần giải quyết, tôi chẳng quan tâm mấy. Thế rồi, tôi thấy chiếc xe cảnh sát đánh một vòng ngược lại, rẽ vào con đường trước nhà tôi, và cập sát lề gần chỗ tôi đang đứng. Tôi mở cổng, bước đến bên viên cảnh sát lái xe. Ông nầy cho biết láng giềng than phiền chó của chúng tôi sủa làm mất yên tĩnh ban đêm trong xóm. Tôi biết người láng giềng than phiền đó là ai. Và tôi nhớ lại khoảng một tiếng đồng hồ trước đó con Sheba có sủa mấy tiếng mừng rỡ chào tôi về. Lúc cảnh sát đi rồi, tôi “rầy” con chó, một hành động để trút bớt bực tức đối với tên láng giềng ti tiện, khả ố, chứ không hề có mục đích cho Sheba hiểu nó đã làm ồn gây phiền phức cho tôi. Tôi nắm vòng đeo cổ của nó nâng lên, giống như thộp cổ áo một người nào, và nói, “Sheba, hồi nãy mầy sủa om sòm, làm cho cảnh sát phải đến. Mầy còn sủa nữa là mầy chết đó!” Nhưng lạ thay, từ đó đêm nào các con chúng tôi thả nó ở ngoài chơi để chờ chúng tôi về, nó không sủa mừng như nó vẫn thường làm, mà chỉ yên lặng vẫy đuôi mừng rỡ. Không ai ngờ con chó đã hiểu lời nói của tôi. Biết đâu chúng tôi đã nuôi được một con chó thần có thể hiểu cả ác ý của người láng giềng cũng nên! Nhưng đó là “chuyện lạ bốn phương”, và có lẽ tôi đã đi ra ngoài đề. Trở lại chuyện dài láng giềng, điều tôi muốn nói ở đây là do sự việc thứ hai vừa nêu trên, tôi chợt thấy ánh sáng trong sự việc thứ nhất: phải chăng hai sự việc có cùng một tác giả?

Tôi không hiểu hắn làm công việc gì để sinh sống. Tôi chỉ thấy hắn ở nhà quanh năm, ngày cũng như đêm. Hắn khoẻ mạnh, tâm trí có vẻ bình thường, còn trẻ, có vợ và hai con khoảng năm tuổi trở xuống. Có người cho rằng hắn sống nhờ trợ cấp xã hội. Những lúc độc nhất mà tôi thấy hắn làm việc là khi bà Stockton mướn hắn cắt cỏ. Không biết mỗi lần như vậy là bao nhiêu tiền, chỉ thấy bà cầm mấy tờ giấy bạc dúi vào tay hắn. Hắn có công việc “ngày mùa” nầy từ khi ông Stockton đột ngột qua đời sau một cơn đau tim cách nay ba năm. Mùa hè năm ngoái, một hôm hắn loay hoay xén lề cỏ cho bà Stockton, do một trùng hợp ngẫu nhiên, tôi cũng đang làm công việc tương tự bên nầy đường, trước nhà mình. Không biết hắn nhìn sang tôi bao lâu, lúc tôi chợt ngẩng lên và bắt gặp hắn nhìn, hắn vội đưa tay lên vẫy chào. Tôi lạnh lùng đưa tay lên đáp lại. Đó là cái vẫy tay chào đầu tiên của hai người láng giềng trong năm năm gia đình chúng tôi cư trú tại đây.


Hà Kỳ Lam
















Free Web Template Provided by A Free Web Template.com